U nang buồng trứng là một trong những bệnh rất thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản. Về cơ bản bệnh có thể điều trị, nhưng nếu chủ quan sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sinh nở.
Để có cái nhìn cụ thể và đúng hơn về căn bệnh này, mời chị em tham khảo chi tiết ngay dưới đây. Thông tin bài viết được lấy từ nội dung tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bạo - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Khái niệm U nang buồng trứng là gì?
Theo định nghĩa chuyên môn, u nang buồng trứng được hiểu là một loại khối u hình thành trong buồng trứng của phụ nữ, u có vỏ bọc bên ngoài và chứa dịch lỏng bên trong. U có thể phát triển từ các loại mô của buồng trứng hay từ mô của cơ quan khác.
U nang buồng trứng là bệnh rất phổ biến ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh là 3.6% trong số các bệnh lý phụ khoa, nhiều hơn bất kỳ khối u nào khác của đường sinh dục. Thông thường, giai đoạn đầu U nang buồng trứng sẽ rất khó phát hiện, do không có dấu hiệu gì quá rõ rệt. Khoảng giai đoạn 2 trở di, khi nang bắt đầu có kích thước rõ ràng với bắt đầu có một số biểu hiện nhỏ.
Các triệu chứng cơ bản để nhận biết U nang buồng trứng
Về cơ bản, bệnh này không có dấu hiệu rõ ràng và khách biệt so với một số bệnh phụ khoa. Từ giai đoạn 2 trở đi, người bệnh mới bắt đầu cảm nhận dần được các dấu hiệu có thể gặp như:
- Đau, căng, tức vùng bụng dưới
- Đau mơ hồ vùng thắt lưng, đùi hay vùng chậu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau trong chu kỳ kinh nguyệt
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Tiểu khó hay đi tiểu nhiều lần
- Tăng cân không rõ nguyên nhân
- Căng tức ngực, đau nhức vú
- Buồn nôn, nôn
Những đối tượng có nguy cơ mắc u nang buồng trứng cao
Ở bất kỳ độ tuổi nào phụ nữ cũng đều có nguy cơ mắc u nang buồng trứng. Phổ biến nhất là trong độ tuổi sinh nở, từ 18 - 40 tuổi, tỷ lệ sẽ giảm dần ở nhóm phụ nữ tiền mãn kinh. Một số người có nguy cơ mắc cao sẽ là:
- Tiền sử bản thân có u nang
- Tiền sử gia đình có người bị u nang buồng trứng
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Thừa cân, béo phì
Ngoài ra, do chế độ sinh hoạt và vệ sinh không đúng cách, phụ nữ không thuộc nhóm đối tượng trên hoàn toàn vẫn có nguy cơ bị bệnh nếu:
- Dùng quá nhiều thuốc tránh thai
- Sử dụng nhiều thực phẩm chứa hormone như các loại thịt, trứng và sữa có thêm hormone tăng trưởng.
- Chế độ ăn uống không hợp lý, ít thực phẩm từ tự nhiên như rau củ quả tươi xanh.
- Stress hoặc béo phì.
- Gan bị nhiễm độc hoặc do làm việc quá sức
Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan. Phải biết cách chăm sóc sức khỏe và thăm khám định kỳ.
Những biện pháp chẩn đoán phát hiện U nang
Theo dõi các triệu chứng ở trên từ 5 - 10 ngày, nếu có 3/9 dấu hiệu thì nên đến bệnh viện để thăm khám. Trong trường hợp nghi ngờ u nang buồng trứng, có thể khám theo yêu cầu.
Hiện tại, u nang buồng trứng có thể chẩn đoán bằng các phương pháp như sau:
- Khám vùng chậu trước khi được chỉ định làm các xét nghiệm
- Siêu âm để phát hiện u nang buồng trứng, thường thì siêu âm chỉ có thể nhìn thấy những khối u đã có kích thước
- CT hay MRI để chẩn đoán các trường hợp u nang quá nhỏ, không thể phát hiện bằng siêu âm
- Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định đối với một số loại u nang đặc biệt
Đối với những trường hợp u nang có kích thước lớn, kéo dài và có nhiều dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu mô để phân tích, chẩn đoán phân biệt giữa một u nang buồng trứng lành tính với khối u buồng trứng ác tính.
Tác động của U nang buồng trứng
U nang buồng trứng thường được chia thành 2 loại: U nang cơ năng và u nang thực thể. Trong đó, U nang buồng trứng cơ năng thường là u lành tính, có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm. Riêng với u nang buồng trứng thực thể thường tiến triển chậm, âm thầm qua nhiều năm. Khi triệu chứng rõ rệt tức là u đã to và chèn ép vào các tạng xung quanh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra các vấn đề như:
- Xoắn u nang: đau bụng dữ dội, liên tục, có thể buồn nôn, nôn, đôi khi có thể choáng vì đau. Khối u phình to khiến bụng chướng, ấn đau hạ vị và hai hố chậu, có phản ứng thành bụng. Thăm âm đạo thấy khối u căng, ít di động, ấn đau nhói.
- Vỡ nang buồng trứng: bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, bụng trướng, có thể có phản ứng phúc mạc, thăm khám âm đạo thấy u dính, rất ít di động, ấn thấy đau. Nếu như không điều trị kịp thời thì có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Chèn ép các tạng xung quanh: chèn ép bàng quang gây đái rắt, chèn ép trực tràng gây táo bón, đôi khi chèn ép niệu quản gây ứ nước bể thận...
- Đặc biệt, ung thư hóa có thể xuất hiện ở nang nước
U nang buồng trứng có ảnh hưởng đến việc mang thai không?
Bệnh nhân bị u nang buồng trứng đều rất lo lắng về khả năng sinh con về sau. Trên thực tế, chỉ một phần rất nhỏ bệnh nhân u nang buồng trứng bị ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
- U nang cơ năng: Có thể tự tiêu, khi phát hiện chỉ cần theo dõi định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Trường hợp này hoàn toàn vẫn có thể có khả năng mang thai như bình thường.
- Bị u nang một bên (u nang buồng trứng trái hoặc u nang buồng trứng phải), đã mổ bóc u hoặc cắt 1 buồng trứng, vẫn có khả năng có thể mang thai bình thường.
- Bị u nang cả 2 bên, đã mổ bóc u, để lại buồng trứng lành hoặc cắt 1 bên và bóc u 1 bên. Khả năng mang thai của chị em sẽ thấp hơn nhưng vẫn có khả năng mang thai được.
Thực tế, u nang buồng trứng không có biện pháp ngăn ngừa cụ thể. Để hạn chế tối đa, cách tốt nhất là có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Các bác sĩ khuyên, nên thăm khám định kỳ khoảng 6 - 8 tháng một lần.